Tóm tắt: Căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua ngành nước Việt nam đã thực hiện việc cổ phần hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được góp phần huy động và sử dụng các nguồn lực hợp lý hiệu quả tạo động lực phất triển ngành thì trên thực tế vẫn còn một số bất cập khó khăn cần được tập trung giải quyết, bài viết tổng hợp các kết quả điều tra khảo sát, thông qua các hội thảo với sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, chuyên viên đến từ các cơ quản lý nhà nước, đại biểu quốc tế đặc biệt từ các doanh nghiệp ngành nước và đây cũng là các ý kiến Hội Cấp thoát nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
I. Quá trình cổ phần hóa và các kết quả đạt được:
1.1 Quá trình cổ phần hóa đến 9/2017
a) Đối với lĩnh vực cấp nước: Cả nước có 111 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nước sạch cho các đô thị với công suất thiết kế của các nhà máy đạt trên 8,5 triệu m3 ngày đêm, đáp ứng được khoảng 84,5% nhu cầu dùng nước của người dân đô thị. Các công ty cấp nước đã bắt đầu tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005 và đến nay chỉ còn 10 Công ty cấp nước đang chuẩn bị triển khai trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đăk Lăk….
b) Đối với lĩnh vực thoát nước: Cả nước có 71 doanh nghiệp đảm nhiệm dịch vụ thoát nước trong đó đang hoạt động là 41 nhà máy với công suất 950.000 m3/ngày và 28 nhà máy đang xây dựng với công suất 1.375.000 m3/ngày. So với lĩnh vực cấp nước thì lĩnh vực thoát nước tiến hành cổ phần hóa muộn hơn, nhưng đến nay cũng đã có 39 doanh nghiệp đã cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần.
1.2 Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần so với trước cổ phần hóa thể hiện trên các chỉ tiêu sau:
a) Kết quả sản xuất kinh doanh có tăng trưởng:
Đối với lĩnh vực cấp nước: Sản lượng nước thượng phẩm tăng 17,86%; số đấu nối tăng 12,25%; độ bao phủ cấp nước đạt trên 80% (tăng 9,11 điểm %); Tỷ lệ thất thoát nước ở mức 21,35% (giảm 1,73 điểm %); Lượng nước tiêu thụ bình quân đầu người tăng 6,9%; thời gian cấp nước trong ngày đạt sấp xỉ 24/24 giờ; số nhân viên tính trên 1000 đầu nối giảm 24/37%...
Đối với lĩnh vực thoát nước: Tổng chiều dài cống rãnh được quản lý, nạo vét tăng 1,67 lần; tổng chiều dài mương, sông thoát nước được quản lý tăng 1,27 lần; tổng công suất các trạm thoát nước tăng 6,3 lần; tổng công suất các trạm xử lý nước thải tăng 1,91 lần…
b) Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hầu hết đều tăng trong đó có một số doanh nghiệp cấp nước sạch tăng mạnh thể hiện qua các chỉ số ( số liệu năm 2016): Doanh thu tăng 30%; Lợi nhuận trước thuế tăng 40,73%; Nộp ngân sách Nhà nước tăng 32,42% và thu nhập của người lao động tăng 19,42% ; Tổng quỹ lương bình quân 1 doanh nghiệp tăng 26,58%; Tổng số tiền bảo hiểm đã nộp bình quân tăng 55,03%; chi phí đào tạo nâng cao năng lực của người lao động tăng 42,07% …
Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng đắn, tạo ra các điều kiện để khai thác, huy động và sử dụng nguồn lực của xã hội hợp lý cũng như tạo động lực mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn so với trước khi cổ phần hóa.
II. Những hạn chế, khó khăn vướng mắc:
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa cũng còn khó khăn thách thức:
2.1 Việc quy định ngành Cấp thoát nước là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện chưa được thống nhất và rõ ràng.
Theo Phụ lục 4 của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định ngành Cấp thoát nước là kinh doanh có điều kiện (ngành nghề thứ 246, 247); tại Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/12/2016 phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2050 có quy định “ Hoạt động cấp nước là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện chịu sự kiểm soát của nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội…”
Tuy nhiên tại phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư sửa đổi số 03/2016/QH14 (ngành nghề thứ 228) chỉ ghi ngành "Kinh doanh dịch vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước”. Việc quy định này dẫn đến cách hiểu khác nhau và không rõ ràng khi áp dụng thực hiện.
2.2 Về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
Các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chính sách liên quan đến nhà đầu tư chiến lược chưa hợp lý, thể hiện ở chỗ: Tiêu chí cùng ngành nghề với doanh nghiệp cổ phần hóa không được quan tâm, nặng về tiêu chí “có năng lực tài chính”; không rõ trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư chiến lược (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước có liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa; thiếu chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện hoặc vi phạm các cam kết của mình… dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư chiến lược thường chỉ quan tâm nhiều đến lợi nhuận mà ít quan tâm đến việc mở rộng mạng lưới đặc biệt đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có lợi nhuận hoặc cấp nước phải ổn định, phải bảo đảm an toàn và đảm bảo chất lượng theo quy định.
2.3 Về mức, tỷ lệ bán cổ phần và cổ phần với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và người lao động:
Quy định mức, tỷ lệ bán cổ phần và cổ phần với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và người lao động tại điều 42 của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 vẫn còn thấp dẫn đến khó động viên khuyến khích sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp nhất là đối với lao động có tay nghề bậc cao, cán bộ quản lý có năng lực và các chuyên gia giỏi.
2.4 Liên quan đến trách nhiệm UBND các cấp với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước:
Tại điều 31của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 có quy định UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước ký kết Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước. Tuy nhiên hình thức Thỏa thuận thể hiện tính pháp lý không cao, đồng thời không có chế tài đi kèm do đó mặc dù Nghị định đã triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay mới chỉ có 10 địa phương thực hiện ký kết Thỏa thuận này. Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, việc không ký kết này có thể tiềm ẩn rủi ro về an toàn trong cấp nước, chất lượng dịch vụ cung cấp nước đến đời sống của nhân dân đặc biệt trong quá trình cổ phần hóa hiện nay.
2.5 Về giá nước và giá dịch vụ thoát nước
a) Giá nước sạch: thực hiện Thông tư liên tịch Số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT về việc hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, chính quyền các địa phương thường ấn định lợi nhuận ở mức tối thiểu 5% khi quyết định Phương án giá thành nước sạch; tuy nhiên giá thành hầu như chưa được tính đúng, tính đủ, thời gian điều chỉnh chậm, kéo dài, do đó làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, cổ tức trong công ty cổ phần dẫn đến thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
b) Giá dịch vụ thoát nước
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải và Thông tư số 02/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 2/4/2015 hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải theo mức khác nhau phù hợp với mức gây ô nhiễm. Tuy nhiên cho đến nay nhiều địa phương vẫn còn thu theo phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bằng khoảng 10% trên giá bán nước sạch (Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 Quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải) dẫn đến không đủ chi phí cho hoạt động quản lý vận hành, tái đầu tư, trả nợ vốn vay cho hệ thống thoát nước cũng như thiếu sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
III. Đề xuất một số kiến nghị
Để tháo gỡ, những khó khăn vướng mắc trên, Hội Cấp thoát nước Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho lĩnh vực cấp thoát nước như sau:
3.1 Thứ nhất: Theo Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn đã xác định “ Nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt , phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế - xã hội” và đây cũng là quyền con người được quy định tại điều 34 của Hiến Pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mặt khác hoạt động cung cấp nước sạch phải được đảm bảo liên tục trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì vừa phải gắn với vấn đề an ninh an toàn trong cấp nước, bảo vệ nguồn nước vừa phải đảm bảo cung cấp nước liên tục phục vụ đời sống hàng ngày của người dân ngay cả khi có thiên tai xẩy ra hoặc doanh nghiệp thua lỗ hoặc phá sản. Chính vì vậy cần có sự thống nhất trong các văn bản hiện hành về điều kiện kinh doanh của ngành cấp nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đảm bảo hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp cấp nước.
3.2 Thứ hai: Vì sản xuất, cung cấp nước sạch có yếu tố đặc thù (như trong điểm 3.1 đã trình bày) đề nghị quy định cụ thể đối với nhà đầu tư chiến lược như sau:
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược cần được áp dụng cho tất các doanh nghiệp mà nhà nước vẫn còn có cổ phần vốn của mình tại doanh nghiệp, không nên quy định chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% cổ phần trong tổng số cổ phần (quy định tại Điều 6, khoản b, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017). Tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực cấp nước (về thời gian, quản lý, vận hành…), sau đó mới đến các tiêu chí về năng lực tài chính và các tiêu chí khác. Đồng thời phải quy định cụ thể các nội dung cam kết của nhà đầu tư về phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa đồng thời cũng phải quy định rõ các chế tài xử lý khi các nhà đầu tư chiến lược vi phạm các cam kết của mình đặc biệt là các cam kết liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước và chất lượng nước....
Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần khi nhà nước thoái vốn cho phép bổ sung nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tương tự như kiến nghị đối với doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu.
Về tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất đề nghị là 5 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược như trong Nghị định 59/2011 ( Nghị định 126/2017 giảm xuống còn 3 năm)
3.3 Thứ ba: Đối với doanh nghiệp cấp nước đề nghị điều chỉnh tăng mức bán cổ phần, cổ phần với giá ưu đãi cho người lao động đối với doanh nghiệp chưa cổ phần hóa như sau:
Tăng cho người lao động được mua tối đa 100 cổ phần hiện nay lên ít nhất 200 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước.
Tăng mức cho người lao động thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng có cam kết làm việc lâu dài thời hạn ít nhất 3 năm được mua thêm cổ phần ưu đãi lên 500 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp, tối đa không quá 5.000 cổ phần cho một người lao động. Riêng đối với người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao làm việc tại doanh nghiệp được mua tăng thêm lên mức 1000 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp, tối đa không quá 10.000 cổ phần cho một người lao động.
Thành viên Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, ban Kiểm soát, kế toán trưởng được mua thêm 2000 cổ phần /năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp, tối đa không quá 20.000 cổ phần cho một lao động.
Đối với doanh nghiệp đã cổ phần hóa khi thực hiện thoái vốn đề nghị cho phép người lao động được mua bổ sung cổ phần ưu đãi như kiến nghị đối với doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.
3.4 Thứ tư: Lộ trình thoái vốn theo Quyết định của số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 giai đoạn 2017-2020 của Chính phủ đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên đối với các Công ty Cấp nước của các thành phố lớn như Hà nội, Hồ Chí Minh, Hải phòng ……cần điều chỉnh lộ trình thoái vốn hợp lý để tránh những biến động lớn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như tâm lý của người lao động.
3.5 Thứ năm: Đề nghị sửa đổi một số quy định của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải và các thông tư hướng dẫn đi kèm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước cũng như thoát nước như sau:
a) Để nâng cao tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa UBND địa phương và doanh nghiệp cấp nước hiện nay đề nghị nghiên cứu sửa đổi điều 31 Nghị định 117/2007 từ Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước sang hình thức Hợp đồng sản xuất và cung cấp nước sạch.
b) Điều chỉnh mức lợi nhuận tại Thông tư số 75/2012/ TT- TC-XD- NNPTNT ngày 15/5/2012 của Liên bộ: Tài chính – Xây dựng – NNPTNT tối thiểu đảm bảo 10% để doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn lực trích lập các quỹ và thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định.
c) Bổ sung các chế tài qui định cụ thể đối với:
Các địa phương không thực hiện và tuân thủ đúng nguyên tắc định giá, điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch khi các yếu tố hình thành giá thay đổi theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
Các địa phương hiện nay vẫn tiếp tục quy định áp dụng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải không chuyển sang giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải.
3.6 Thứ 6: Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương sớm nghiên cứu trình Quốc Hội xem xét ban hành Luật Cấp nước theo nhiệm vụ của Thủ tướng giao tại quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 Phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam đến 2015 tầm nhìn đến năm 2050.nhằm tạo hành lang pháp lý đồng thời khuyến khích ngành nước Việt nam hội nhập và phát triển.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng